VẮC XIN DỰ PHÒNG

1TIÊM PHÒNG


Vắc xin phòng HPV được chỉ định để phòng các týp HPV nguy cơ cao, gây bệnh các bệnh lý ung thư đường sinh dục ở người và mụn cóc sinh dục.

 

Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa giải đáp tính an toàn của vắc xin ngừa HPV

 

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP HCM cho biết, tiêm vắc xin ngừa HPV là cách đơn giản và hiệu quả để phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan khác, sau quan hệ tình dục an toàn (truyền thông cộng đồng) (dự phòng cấp I), và xét nghiệm tầm soát định kỳ Pap’s (dự phòng cấp II).

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Cao Hữu Nghĩa

 

1.      Bác sĩ có thể chia sẻ mức độ an toàn của vắc xin phòng HPV?

Bất kỳ loại vắc xin nào trước khi được phép lưu hành đều phải trải qua nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để khẳng định tính an toàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới đến yếu tố hiệu quả. Trên thực tế, vắc xin ngừa HPV không phải vắc xin sống, mà chứa "kháng nguyên giống vi rút HPV" (virus like particles-VLP) không chứa DNA của vi rút giúp cơ thể tạo miễn dịch tự nhiên, nên an toàn về lý thuyết.

 

Vắc xin ngừa HPV được phê duyệt sử dụng ở người vào tháng 6/2006 tại Mỹ sau 15 năm nghiên cứu. Chúng từng được thử nghiệm lâm sàng trên hơn 20.000 phụ nữ (1). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị đưa vắc xin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (2).

 

Một số thông tin cho rằng vắc xin gây vô sinh, dị tật thai nhi, sinh non, thậm chí tử vong... Ủy ban Cố vấn toàn cầu về "An toàn vắc xin " của WHO đã sáu lần tiến hành điều tra và phân tích kỹ lưỡng các quan ngại trên. Báo cáo mới nhất vào tháng 7/2017 khẳng định tính an toàn của vắc xin ngừa HPV và khuyến cáo sử dụng rộng rãi3. Vắc xin ngừa HPV cũng được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ công nhận tính an toàn (3).

 

2.      Vắc xin ngừa HPV có thể gây tác dụng phụ nào thưa bác sĩ?

Một số phản ứng phụ có thể gặp sau tiêm là sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, rối loạn dạ dày - ruột, đau cơ - khớp. Các phản ứng này đều có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, tùy cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất nhỏ so với lợi ích phòng bệnh của vắc xin và hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần rồi tự khỏi sau 24h, mà không cần điều trị.

Tại Việt Nam, từng lô vắc xin khi nhập về đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế kiểm định, đạt tiêu chuẩn về an toàn, trước khi đưa vào sử dụng.

 

3.      Trước tiêm nên làm gì để vắc xin phát huy hiệu quả tốt nhất?

Để vắc xin phát huy hiệu quả tốt nhất, cần tiêm đúng đối tượng.

 

Giống những loại vắc xin khác, nên tiêm khi cơ thể khỏe mạnh, không sốt hay viêm cấp tính. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là bắp tay chuẩn bị tiêm để hạn chế nhiễm trùng. Không nên tiêm khi đói để tránh tình trạng hạ đường huyết sau đó. Cần trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe bất thường, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... để giảm các phản ứng bất lợi.

Ngay trước tiêm, nên yêu cầu nhân viên y tế cho xem hạn sử dụng của vắc xin, tiêm đúng cách và đủ liều, giữ lại vỏ bao bì để đối chứng.

 

4.      Sau tiêm nên làm gì để giảm nguy cơ biến chứng?

Sau tiêm, cần ngồi lại 30 phút ngay tại cơ sở tiêm chủng nhằm phát hiện tình trạng dị ứng sớm với vắc xin nếu có. Khi về nhà, tiếp tục theo dõi nguy cơ sốt, biểu hiện ngoài da trong 24 giờ...

Nên uống nhiều nước, mặc đồ thoáng nếu sốt nhẹ; chườm mát nơi tiêm nếu sưng tấy, tuyệt đối không đắp khoai tây hay lá cây gây nhiễm trùng... Nếu phát hiện thấy các phản ứng khác nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Nếu mũi tiêm lần đầu bị dị ứng, mẩn đỏ hay sốt, người dân nên hỏi bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn ở những mũi tiếp theo.

 

5.      Bác sĩ có thể cho biết đối tượng nào được khuyến cáo nên tiêm nhất?

Tất cả bé gái và phụ nữ còn trong độ tuổi tiêm phòng nên được khuyến cáo tiêm phòng HPV. Lưu ý, không cần xét nghiệm tầm soát Pap’s, HPV DNA hoặc kháng thể HPV trước khi tiêm ngừa.

 

6.      Vắc xin chống chỉ định trường hợp nào?

Phụ nữ không nên chủng ngừa nếu nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin; rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc điều trị chống đông. Nếu đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính từ trung bình đến nặng, nên chờ tới khi khỏi hãy tiêm.


Vắc xin ngừa HPV chưa được nghiên cứu trên phụ nữ đang mang thai và cho con bú, nên cần cân nhắc và tư vấn bác sĩ chuyên khoa khi muốn tiêm.

 

Song song với việc tiêm vắc xin ngừa HPV, cần tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh triệt để, đặc biệt với phụ nữ trung niên.

 

HPV dễ tái nhiễm, tức là sau khi cơ thể loại thải vẫn có thể nhiễm lại. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không phòng được tái nhiễm nhưng vắc xin ngừa được vấn đề này. Song song với việc tiêm vắc xin ngừa HPV, phụ nữ vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

 

*Bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục. VN-HPV-00347 17062023

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1/ Kari P Braaten et al, Human Papillomavirus (HPV), HPV-Related Disease, and the HPV Vaccine, Rev Obstet Gynecol. 2008 Winter; 1(1): 2–10.

 

2/ https://www.who.int/immunization/diseases/hpv/HPV_vaccine_intro_guide_draft_Nov2016.pdf (truy cập 23/10/2020)

 

3/ World Health Organization (WHO). Safety Update of HPV Vaccines. Extract from report of GACVS meeting of 7-8 June 2017, Weekly Epidemiological Record;14 July 2017.

 https://www.who.int/vaccine_safety/committee/topics/hpv/June_2017/en/ (truy cập 20/2/2021)

2TÍNH AN TOÀN CỦA VẮC-XIN HPV


Tại cuộc họp ngày 7-8 tháng 6 năm 2017, Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về “An toàn vắc xin” của Tổ chức Y tế thế giới đã xem xét đánh giá tính an toàn của Vắc xin HPV. Sau đây là tóm tắt nội dung về báo cáo này.

Tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV là cách đơn giản và hiệu quả để phòng ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ ở phụ nữ, ung thư hậu môn ở cả phụ nữ và đàn ông, ung thư dương vật ở đàn ông. Ngoài những bệnh ung thư trên, vắc xin HPV cũng ngăn ngừa lây nhiễm các loại virus HPV có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục ở cả phụ nữ và đàn ông.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Image)

Bất kỳ loại vắc xin nào trước khi được phép lưu hành đều phải trải qua nhiều nghiên cứu và sàng lọc để khẳng định tính an toàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới đến yếu tố hiệu quả. Trên thực tế, vắc xin ngừa HPV không phải vắc xin sống, mà chứa "kháng nguyên giống vi rút HPV" không chứa DNA của vi rút (virus like particles-VLP) giúp cơ thể tạo miễn dịch tự nhiên, nên an toàn về lý thuyết.

Vắc xin ngừa HPV được phê duyệt sử dụng ở người vào tháng 6/2006 tại Mỹ sau 15 năm nghiên cứu. Chúng từng thử nghiệm lâm sàng trên hơn 25.000 phụ nữ và nam giới. Đến tháng 4/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị đưa vắc xin ngừa HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Sau nhiều năm theo dõi, vắc xin ngừa HPV được ghi nhận an toàn bởi các cơ quan uy tín của Mỹ như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA). Đến nay, hơn 270 triệu liều đã được sử dụng ở hơn 140 quốc gia toàn cầu.

Một số thông tin cho rằng vắc xin gây vô sinh, dị tật thai nhi, sinh non, thậm chí tử vong... Ủy ban Cố vấn toàn cầu về “An toàn vắc xin” (GACVs) của WHO đã sáu lần tiến hành điều tra và phân tích kỹ lưỡng các quan ngại trên. Báo cáo mới nhất đăng trên Tạp chí Y tế Thế giới tháng 7/2017 khẳng định tính an toàn của vắc xin ngừa HPV và khuyến cáo sử dụng rộng rãi. GACVs đã xem xét tính an toàn của vắc xin lần đầu tiên vào năm 2007, và sau đó là các năm 2008, 2009, 2013, 2014 và 2015. Ngay từ đầu, Ủy ban đã đưa ra các dấu hiệu liên quan đến sốc phản vệ và ngất. Nguy cơ sốc phản vệ là khoảng 1,7 trường hợp trên một triệu liều và ngất được coi là một phản ứng thường gặp khi tiêm nói chung, có thể do lo lắng hoặc căng thẳng. Không có phản ứng bất lợi nào khác được xác định. GACVs đánh giá vắc xin HPV là rất an toàn, không ghi nhận bất kỳ ca nào có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có liên quan đến hội chứng Guillain-Barret gây bại liệt toàn thân, đau vùng phức tạp, nhịp tim nhanh tư thế đứng, rối loạn đông máu hay hội chứng sản phụ khoa khác…

Vắc xin HPV thường được sử dụng trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ, điều quan trọng là phải đảm bảo tính an toàn ở phụ nữ mang thai khi vô tình tiêm. Cho đến nay, không có lo ngại nào phát sinh trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trước khi cấp phép hoặc trong giám sát sau khi cấp phép. Một nghiên cứu thuần tập quốc gia gần đây từ Đan Mạch đã đánh giá 540.805 ca mang thai. Ngoài ra, dữ liệu từ An toàn tiêm chủng (VSD) từ hơn 92.000 trường hợp mang thai đủ điều kiện đã được điều tra. Không có kết quả bất thường về sản khoa, sinh nở hoặc bất thường cấu trúc nào được ghi nhận. Việc vô tình tiêm vắc xin HPV trong thời kỳ mang thai không có bất lợi nào được biết đến ở cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Ở những nơi mà các chương trình tiêm chủng HPV đã được triển khai một cách hiệu quả, những lợi ích đã rất rõ ràng. Một số quốc gia đã đưa vắc xin HPV vào chương trình tiêm chủng của họ đã báo cáo tỷ lệ mắc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ giảm 50%. Ngược lại, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung ở Nhật Bản, nơi không chủ động tiêm vắc xin HPV, tăng 3,4% từ năm 1995 đến năm 2005 và dự kiến sẽ tăng 5,9% từ năm 2005 đến năm 2015. Sự gia tăng gánh nặng bệnh tật này đặc biệt rõ ràng trong số phụ nữ từ 15-44 tuổi. Mười năm sau khi được giới thiệu, việc tiếp nhận vắc xin HPV trên toàn cầu vẫn còn chậm và các quốc gia có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao nhất là những quốc gia ít có khả năng được tiếp cận vắc xin này nhất. Kể từ khi cấp phép vắc xin HPV, GACVs không tìm thấy các tác dụng phụ mới đáng lo ngại dựa trên nhiều nghiên cứu rất lớn và có giá trị. Các thông tin được trình bày tại cuộc họp GACVs đã củng cổ sự tin cậy này.

Nguồn tài liệu tham khảo:

https://www.immunize.org/vis/vietnamese_hpv.pdf 

https://www.who.int/vaccine_safety/committee/topics/hpv/June_2017/en/ 

3TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG


Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40-60, nhưng thường gặp nhất với những người 50-55 tuổi.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, ung thư cổ tử cung đang dần trẻ hóa, do tuổi quan hệ tình dục sớm hơn trước.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40-60, nhưng thường gặp nhất với những người 50-55 tuổi.

Tuy vậy, mầm mống gây bệnh là vi rút HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ hàng chục năm trước đó. Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái có sớm hơn 10 năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ.

Nếu được phát hiện từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn II còn 50-75%, giai đoạn III chỉ 25-40% và dưới 15% người bệnh ở giai đoạn IV còn sống sau năm năm.

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh từng chứng kiến nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối. Việc điều trị vừa đau đớn, tốn kém mà tỷ lệ thành công thấp.

Chị em có thể chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin ngừa HPV (hiện chỉ định ở độ tuổi 9-26 tuổi). Tại Việt Nam, vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Bên cạnh đó, vắc xin còn tác dụng phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục (âm đạo, âm hộ...).

Các khuyến cáo tầm soát hiện nay áp dụng cho phụ nữ trên 21 tuổi và đã có quan hệ tình dục. Ngoài ra, khi có các triệu chứng bất thường về phụ khoa như ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh, huyết trắng kéo dài… chị em cần đến khám bác sĩ ngay.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có đến 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó có khoảng một nửa ca bệnh gây tử vong. Tính trung bình mỗi ngày có 14 người mắc ung thư, trong đó bảy người tử vong vì căn bệnh này.

99,7% nguyên nhân gây bệnh do vi rút HPV gây ra, nó không có triệu chứng điển hình mà nhìn vào có thể biết được. Ngay cả giai đoạn tiền ung thư cũng không có biểu hiện rõ ràng. Để phát hiện bệnh, phụ nữ nên đi khám phụ khoa đều đặn, làm các biện pháp sàng lọc, tiêm vắc xin ngừa HPV.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, trên thế giới mỗi năm hiện có trên 500.000 ca ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán và khoảng 250.000 ca ung tử vong do ung thư cổ tử cung. Riêng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, mỗi bốn phút lại có một phụ nữ qua đời vì căn bệnh này (Theo VnExpress).

4Tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung khi nào?


Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, HPV là loại vi rút phổ biến đến nỗi phần lớn đàn ông và phụ nữ từng quan hệ tình dục sẽ nhiễm vào một thời điểm nào đó trong đời.

Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh cho biết, nữ giới 9-26 tuổi có thể tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV, song thời điểm tốt nhất là 9-16 tuổi.

Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, HPV là loại vi rút phổ biến đến nỗi phần lớn đàn ông và phụ nữ từng quan hệ tình dục sẽ nhiễm vào một thời điểm nào đó trong đời. Vi rút gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư: cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hầu họng.

Tính riêng ung thư cổ tử cung, mỗi năm Việt Nam có hơn 5.000 người mắc và 2.500 phụ nữ tử vong. Bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc xin ngừa HPV cũng như tầm soát, song nhiều phụ huynh lo sợ tác dụng phụ hoặc ngại giải thích kiến thức giới tính cho trẻ em gái, nên chần chừ không tiêm vắc xin ngừa HPV từ sớm.

"Tôi có nghe bạn bè nói nên cho con tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng nghĩ đến chuyện phải giải thích cho con kiến thức giới tính, lại sợ vẽ đường cho hươu chạy. Hơn nữa, con bé mới 9 tuổi, còn quá sớm để nghĩ đến ung thư", chị T.T, một phụ huynh ở quận 3, TP HCM chia sẻ.

9-16 tuổi là độ tuổi lý tưởng nhất để cho con tiêm vắc xin ngừa HPV

Theo bác sĩ Ngọc Linh, có nhiều lý do khoa học để các nước tiên tiến trên thế giới khuyến cáo bố mẹ nên tiêm vắc xin sớm cho con gái. Thứ nhất, tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung ở người càng trẻ thì đáp ứng miễn dịch càng cao, do kháng thể được sản sinh ra nhiều hơn.

Thứ hai, trẻ có thể nhiễm vi rút HPV dù không quan hệ hoặc tiếp xúc tình dục. Nguy cơ lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc với đồ lót, đồ bơi… Ngày nay, một số bé gái bắt đầu có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn và phụ huynh thường không dự đoán được. Do đó, chủng ngừa càng sớm thì càng tránh được nguy cơ trẻ đã phơi nhiễm và nhiễm HPV trước khi tiêm.

Thứ ba, vắc xin này có hiệu quả kéo dài đến 30 năm. Phụ huynh cũng không lo tiêm vắc xin sớm sẽ giảm hiệu quả lâu dài về sau. Chuyên gia khuyên, trẻ nên tiêm đủ ba mũi theo phát đồ 0-2-6 tháng và không cần làm xét nghiệm gì trước khi tiêm.

Suốt nhiều năm làm việc, bác sĩ Linh thường xuyên nhận được câu hỏi: "Nếu đã quan hệ tình dục thì tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung còn tác dụng không?". Trên thực tế, chị em có thể nhiễm một hoặc vài chủng HPV sau khi gần gũi bạn đời. Việc tiêm vắc xin ngừa HPV sẽ giúp phòng chống các chủng nguy cơ cao chưa mắc phải.

 

Song song với việc tiêm vắc xin ngừa HPV, cần tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh triệt để, đặc biệt với phụ nữ trung niên.

HPV dễ tái nhiễm, tức là sau khi cơ thể loại thải vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không phòng được tái nhiễm nhưng vắc xin ngừa được vấn đề này. Song song với việc tiêm vắc xin ngừa HPV, phụ nữ vẫn cần tham gia tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Bác sĩ Linh dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho thấy, có hơn 205 triệu liều vắc xin ngừa HPV đã sử dụng trên thế giới. Vắc xin ngừa HPV cũng được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận tính an toàn. Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì vắc xin này.

(Theo Vnexpress)