Lo lắng thái quá và áp đặt lên con cái không chỉ vô tình đánh cắp tuổi trẻ của con mà còn gây nên những hệ lụy khôn lường.
Toàn tâm toàn ý toàn lực với con không hẳn là bà mẹ tốt. Vì sao, vì chúng ta mắc phải rất nhiều sai lầm (mà các mẹ cứ ngỡ đúng) dưới đây.
Đặt nặng vấn đề học hành và thành tích
Tan trường, tranh thủ ăn vội miếng bánh trên đường đến chỗ học thêm lớp toán. Về nhà tắm rửa, chưa kịp định thần thì đến giờ phụ đạo lớp văn. Cuối tuần là ngoại ngữ, toán cao cấp, là hóa tăng cường,… trẻ học không còn giờ ăn giấc ngủ.
Trẻ bước vào giai đoạn dậy thì cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn cả về thể chất lẫn tinh thần (Ảnh minh họa)
Áp đặt không khoan nhượng
Tâm lý lo lắng cũng biến mẹ thành độc tài. Chế độ kiểm soát được bật công tắc 24/24 khiến trẻ, đặc biệt trẻ vào giai đoạn dậy thì vốn cần sự riêng tư, không còn không gian thở. Con đi đâu, làm gì, với ai, vào giờ nào… tất tần tật đều thông qua sự kiểm duyệt của mẹ.
Vốn dĩ bọn trẻ tuổi dậy thì ẩn chứa nhiều bất ổn tâm sinh lý. Tư tưởng nổi loạn dường như ít nhiều đều có. Nếu con sống trong môi trường quá "khắc nghiệt" do người lớn tạo ra, về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý và có nguy cơ trầm cảm. Một số hệ lụy do trầm cảm tuổi teen mang lại là điều tai hại dễ thấy.
Chủ động cho trẻ khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe bé gái tuổi dậy thì (Ảnh minh họa)
Sức khỏe con trẻ bị bỏ quên
Không được giáo dục cách tự chăm sóc bản thân và vệ sinh thân thể, cơ thể bé gái mới lớn đã bắt đầu có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh lý sinh dục. Việc trẻ vệ sinh vùng kín kém, mặc quần lót quá chật hoặc ẩm ướt… khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh lý phụ khoa, bệnh lý đường sinh dục.
Mẹ có biết, có rất nhiều tác nhân gây hại sức khỏe nữ giới nhưng đáng chú ý nhất là HPV – vi rút lây truyền qua đường tình dục và gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục… Trong đó, nguy hiểm nhất là ung thư cổ tử cung – 1 trong 5 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam (1).
Tính riêng năm 2018, tại Việt Nam có đến 4.177 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung, gây ra cái chết cho 2.420 người (1) , tức mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung không phải là căn bệnh không thể phòng ngừa được. Một trong những biện pháp đơn giản và chủ động nhất để phòng nhiễm HPV cũng như ung thư cổ tử cung là tiêm phòng, đặc biệt là cho đối tượng nữ giới từ 9-26 tuổi. Ngoài ra, các bạn nữ trẻ và bản thân các mẹ cũng nên thường xuyên thăm khám phụ khoa, tầm soát định kỳ cũng như quan hệ tình dục an toàn để có thể hạn chế nguy cơ nhiễm HPV.
Tiêm vắc xin ngừa HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung (Ảnh minh họa)
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thế giới, trẻ em gái từ 9 đến 14 tuổi cần được tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt để có thể giúp bảo vệ tốt trước khi trẻ có quan hệ tình dục lần đầu tiên (2). Ngoài ra nghiên cứu cũng chứng minh rằng vắc xin phòng HPV sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi được tiêm phòng cho các bé gái trong độ tuổi này (3).
Để con có một sức khỏe tốt và một tương lai tươi sáng, mẹ hãy chủ động quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ của con và hãy dẫn con đi tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt, mẹ nhé!
*Bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục. VN-HPV-00251 16122022
Tài liệu tham khảo:
1/ HPV information centre, Human Papillomavirus and Related Diseases report, Vietnam, 17 th Jun 2019
2/ http://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/human-papillomavirus-(hpv)-and-cervical-cancer (truy cập 20/11/2020)
3/ Gertig DM, Impact of a population-based HPV vaccination program on cervical abnormalities: a data linkage study, BMC Med 2013